Có lẽ 99% trong số các bạn đang dùng hệ điều hành của Microsoft, các bạn đã hiểu về lịch sử của nó??
Từ phiên bản đầu tiên 1.0 đến phiên bản mới nhất - Windows 7.Được xây dựng dựa trên thành quả nghiên cứu của Xerox PARC, phiên bản Windows đầu tiên là giao diện người dùng đồ họa mà Microsoft khoác lên trên nền hệ điều hành DOS của mình. Đó quả là ý tưởng tốt, nhưng các phiên bản Windows đầu tiên nặng nề và không có nhiều ứng dụng; trong nhiều năm, Microsoft Word và Excel là 2 ứng dụng duy nhất khai thác đầy đủ giao diện Windows.
Điều hay là Windows ngày càng tốt hơn và ngày càng phổ biến. Microsoft đã nâng cấp Windows một cách khá đều đặn trong hơn hai thập niên qua. Hãng phần mềm này cứ vài năm đưa ra phiên bản Windows mới; đôi khi phiên bản mới chỉ có vài cải tiến nhỏ (so với phiên bản trước), đôi khi nó được cải tổ hoàn toàn. Các bản nâng cấp nhỏ thường đi theo sau bản nâng cấp lớn.
Ví dụ, Windows 95 (được đưa ra năm 1995) được phát triển mới hoàn toàn so với phiên bản Windows 3.X trước đó. Phiên bản kế tiếp, Windows 98, lại là bản nâng cấp không đáng kể, và Windows 98 Second Edition (ra mắt năm 1999) thật ra chỉ sửa vài lỗi nhỏ.
Vậy phiên bản Windows 7 sắp tới thuộc loại nào?
Windows 1.0
Windows được phát triển từ hệ điều hành (HĐH) DOS của Microsoft (ra đời năm 1981) – HĐH do Bill Gates và Paul Allen phát triển để chạy trên IBM PC (máy tính cá nhân), có giao diện văn bản (text) với các lệnh một từ đơn giản.
Microsoft Windows 1.0
Microsoft cho rằng để PC trở nên phổ biến, nó cần phải dễ dùng với giao diện đồ họa thay vì dạng dòng lệnh. Với suy nghĩ đó, Microsoft bắt đầu phát triển Windows vào năm 1983, và sản phẩm hoàn tất (phiên bản 1.0) được đưa ra thị trường vào tháng 11 năm 1985.
Ban đầu Windows dự kiến được đặt tên là Inteface Manager và chỉ đơn thuần là lớp vỏ đồ họa trên nền HĐH DOS. Trong khi DOS là HĐH dựa trên text, điều khiển bằng bàn phím, thì Windows hỗ trợ thao tác dùng chuột nhấn và kéo. Tuy nhiên, các cửa sổ riêng lẻ chỉ có thể xếp kề nhau trên màn hình, không thể xếp chồng lên nhau.
Không giống các HĐH nhồi nhét đủ thứ hiện nay, phiên bản đầu tiên của Windows chỉ có vài tiện ích sơ đẳng. Đó là chương trình đồ họa Paint, trình soạn thảo văn bản Write, lịch công tác (Calendar), trình quản lý hồ sơ (Card Filer), trình ghi chú (Notepad) và đồng hồ (Clock). Ngoài ra Windows 1.0 còn có Control Panel dùng để cấu hình các tính năng của môi trường này, và MS-DOS Executive, một tiền bối thô sơ của trình quản lý file Windows Explorer ngày nay.
Tất nhiên, Windows 1.0 không thành công. Không có nhiều nhu cầu về giao diện người dùng đồ họa với các ứng dụng dựa trên text hiện có trên IBM PC. Nhưng điều quan trọng là phiên bản Windows đầu tiên này yêu cầu năng lực điện toán vượt hơn khả năng các máy tính thời đó.
Windows 2.0
Microsoft Windows 2.0
Phiên bản thứ hai của Windows, ra mắt năm 1987, là một cải tiến của Windows 1.0. Phiên bản mới có khả năng xếp chồng các cửa sổ và cho phép thu nhỏ các cửa sổ để di chuyển trên desktop (màn hình làm việc) bằng chuột.
Nhưng điểm đáng giá nhất của Windows 2.0 là nó có sẵn 2 ứng dụng Word và Excel của Microsoft. Hai ứng dụng có giao diện đồ họa này cạnh tranh với các ứng dụng dựa trên text đang thống trị thời đó là WordPerfect và Lotus 1-2-3. Tuy nhiên không có nhiều ứng dụng khác tương thích với Windows. Một ngoại lệ đáng kể là trình dàn trang Aldus PageMaker có 1 phiên bản chạy trên Windows.
Windows 3.0
Phiên bản thứ 3 - hấp dẫn. Windows 3.0, ra mắt năm 1990, là phiên bản thành công về mặt thương mại đầu tiên, bán được 10 triệu bản trong 2 năm trước khi có bản nâng cấp 3.1. Đây là phiên bản đầu tiên của Windows có khả năng đa nhiệm thực thụ, vì vậy là lựa chọn thay thế thực sự cho HĐH DOS thống trị thời đó.
Microsoft Windows 3.0
Tất nhiên, Windows 3.0 có nhiều đổi mới so với phiên bản trước. Giao diện trông đẹp hơn với các nút 3D và lần đầu tiên người dùng có thể thay đổi màu sắc của desktop bên dưới (tuy nhiên chưa có hình nền). Các chương trình được kích hoạt thông qua trình Program Manager mới dựa trên biểu tượng, và trình File Manager mới thay MS-DOS Executive cũ. Đây cũng là phiên bản Windows đầu tiên có kèm trò chơi Solitair. Quan trọng không kém, Windows 3.0 có chế độ Protected/Enhanced cho phép các ứng dụng phát triển trên Windows sử dụng nhiều bộ nhớ hơn những ứng dụng dựa trên DOS.
Sau khi Windows 3.0 ra đời, các ứng dụng được viết cho Windows phát triển mạnh trong khi các ứng dụng “phi” Windows tàn lụi dần. Chính Windows 3.0 đã giúp Word và Excel trở thành những ứng dụng thống trị trong các lĩnh vực của mình, đánh bại WordPerfect, Lotus 1-2-3 và các đối thủ khác cố thủ trên DOS.
Windows 3.1
Microsoft Windows 3.1
Ra mắt năm 1992, Windows 3.1 đơn giản là bản nâng cấp, nhưng không chỉ sửa các lỗi cần thiết, nó là phiên bản Windows đầu tiên hiển thị font TrueType có thể phóng to thu nhỏ - đưa Windows thành nền tảng thực thụ cho chế bản điện tử. Còn có điểm mới trong Windows 3.1 đó là các trình bảo vệ màn hình và thao tác kéo-thả.
Windows 3.11 for Workgroups
Cùng ra mắt năm 1992 là phiên bản Windows (3.11) for Workgroup (WFW), phiên bản Windows đầu tiên có thể nối mạng. Thoạt đầu được phát triển như là thành phần bổ sung cho Windows 3.0, WFW thêm các trình điều khiển (driver) và giao thức cần thiết (bao gồm TCP/IP) cho việc nối mạng ngang hàng. Điều này làm cho WFW được ghi nhận như là phiên bản Windows đầu tiên thích hợp cho môi trường làm việc cộng tác.
Microsoft Windows for Workgroups
Kể từ WFW, các phiên bản Windows tách thành 2 dòng: dòng cho người dùng cuối, được thiết kế để dùng trên máy tính đơn, đại diện bởi Windows 3.1 và Windows 95 kế tiếp, và dòng làm việc cộng tác, được thiết kế để dùng trên nhiều máy tính nối mạng, đại diện bởi WFW và Windows NT kế tiếp.
Windows NT
Phiên bản Windows kế tiếp theo con đường làm việc cộng tác là Windows NT (viết tắt của New Technology – kỹ thuật mới), được đưa ra năm 1993. Tuy nhiên NT không phải là bản nâng cấp đơn giản từ WFW, đây là HĐH 32-bit thật sự đầu tiên được thiết kế cho các doanh nghiệp hay tổ chức có hệ thống máy tính nối mạng. (Thời đó, các phiên bản Windows cho người dùng cuối vẫn còn là HĐH 16-bit).
Microsoft Windows NT
Windows NT là một nhánh của HĐH OS/2 do Microsoft hợp tác phát triển với IBM. Khi mối quan hệ hợp tác này đổ vỡ, IBM tiếp tục với OS/2, còn Microsoft đổi tên phiên bản OS/2 của mình thành Windows NT.
Phục vụ cho khách hàng doanh nghiệp, Windows NT chỉ có 2 bản: Workstation và Server. NT Workstation dành cho máy tính cá nhân trong mạng doanh nghiệp, còn NT Server phục vụ cho tất cả máy tính kết nối với nó.
Với khả năng nối mạng được cải thiện và hoạt động ổn định, NT trở thành HĐH được sử dụng chủ yếu cho các máy trạm và máy chủ doanh nghiệp trên toàn cầu.
Windows 95
Trở lại dòng Windows dành cho người dùng cuối, Microsoft đã sẵn sàng một phiên bản mới vào ngày 24/8 năm 1995. Phiên bản này, Windows 95, có lẽ là đợt phát hành Windows lớn nhất từ trước đến giờ.
Microsoft Windows 95
Việc phát hành Windows 95 là một sự kiện truyền thông độc đáo, với truyền hình trực tiếp và người mua xếp hàng bên ngoài các cửa hàng chờ thời điểm phát hành lúc nửa đêm. Bản Windows này đã tạo nên cơn sốt cùng với bản nhạc “Start Me Up” của Rolling Stone.
Điểm đáng giá nhất? Windows 95 trông đẹp hơn và làm việc tốt hơn, cả 2 điều mà người dùng đã chờ đợi nhiều năm trời. Mã nguồn Windows 95 được viết lại phần lớn, cải thiện đáng kể giao diện người dùng và chuyển Windows thành nền tảng 32-bit “giả” (vẫn còn nhân 16-bit để tương thích với các ứng dụng cũ).
Windows 95 giới thiệu thanh tác vụ (Taskbar) lưu giữ các nút của tất cả ứng dụng đang mở. Nó cũng là phiên bản Windows đầu tiên dùng nút Start và trình đơn (menu) Start (do gắn với bản nhạc của Rolling Stone); các liên kết tắt (shortcut) trên desktop, tác vụ nhấn chuột phải và tên file dài cũng xuất hiện trong phiên bản này.
Trình duyệt Internet Explorer (IE) cũng xuất hiện cùng với Windows 95 – mặc dù không phải đưa ra trong bản đầu. IE 1.0 thoạt đầu có ở gói bổ sung cho phiên bản Windows 95 Plus; phiên bản 2.0 được tích hợp trong Service Pack 1 của Windows 95 đưa ra vào tháng 12/1995.
Windows 98
Microsoft Windows 98
Cũng được đặt tên theo năm phát hành (1998), Windows 98 là cải tiến của phiên bản trước, nó khá giống Windows 95. Một số cải tiến hữu ích như hỗ trợ USB, chia sẻ kết nối Internet (Internet Connection Sharing) và hệ thống file FAT32, tất cả đều đáng giá nhưng không cái nào có tính đột phá.
Microsoft đưa ra phiên bản “Second Edition” cập nhật cho Windows 98 vào năm 1999 nhưng không đặt tên là Windows 99. Phiên bản này thậm chí còn có ít thay đổi đáng kể hơn, hầu như chỉ sửa lỗi.
Windows Me
Microsoft Windows Me
Phiên bản “thiên niên kỷ” của Windows ra mắt vào năm 2000. Windows Me (Me viết tắt của Millennium, nghĩa là thiên niên kỷ) có lẽ là sai lầm lớn nhất của Microsoft, là một bản nâng cấp nhỏ nhưng dường như gây trục trặc hơn là sửa lỗi.
Phiên bản mới này nâng cấp các tính năng đa phương tiện và Internet của Windows 98, thêm ứng dụng Windows Movie Maker và giới thiệu công cụ System Restore – tất cả đều là những thứ tốt. Không may, Windows Me khá nhiều lỗi và thường bị treo. Điều này làm cho nhiều người dùng – và hầu hết doanh nghiệp – hầu như không ngó ngàng đến bản nâng cấp này.
Windows 2000
Được đưa ra gần như đồng thời với Windows Me dành cho người dùng cuối, Windows 2000 (hay Windows 2K) là bản nâng cấp thành công hơn cho dòng Windows làm việc cộng tác. Tiếp sau Windows NT (thật ra NT có đến 3 phiên bản, phiên bản đầu là 3.1, NT 3.5 ra mắt năm 1994, và NT 4.0 ra mắt năm 1996), Windows 2000 (còn được gọi là NT 5.0) cũng nhắm đến thị trường doanh nghiệp.
Khác NT chỉ có 2 bản (Workstation và Server), Windows 2000 có đến 5 bản khác nhau: Professional, Server, Advanced Server, Datacenter Server và Small Business Server. Tất cả các bản có các tính năng giao diện như của Windows 95/98 và được làm cho trông tinh vi hơn.
Windows XP
Microsoft Windows XP
Các dòng Windows dành cho người dùng cuối và doanh nghiệp được kết hợp lại (phần mã lõi) với phiên bản Windows XP đưa ra năm 2001. Đây là phiên bản Windows đầu tiên mang tính tin cậy cấp doanh nghiệp đến thị trường người dùng cuối – và tính thân thiện người dùng cuối đến thị trường doanh nghiệp. XP kết hợp những gì tốt nhất của dòng Windows 95/98/Me với cơ chế vận hành 32-bit ổn định của Windows NT/2000, và đặt vào một giao diện người dùng cách tân. Nói một cách đơn giản, XP ghép giao diện Windows 95/98/Me lên phần lõi NT/2000, loại bỏ mã DOS bên dưới trong các phiên bản Windows dành cho người dùng cuối trước đây.
Với Windows XP, Microsoft bắt đầu phân khúc thị trường với nhiều phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản có tập tính năng đặc trưng riêng. Các phiên bản khác nhau gồm XP Home Edition, XP Professional (dành cho người dùng doanh nghiệp), XP Media Center Edition, XP Tablet PC Edition và XP Startter Edition (dành cho người dùng ở các nước đang phát triển).
Windows XP trông đẹp hơn và làm việc nhanh hơn so với Windows 95/98 hay Windows 2000 (ổn định hơn nhiều so với Windows Me). Với tính năng Fast User Switching, XP cho phép dễ dàng chia sẻ máy tính cho nhiều người dùng.
Windows Server 2003
Tuy hợp nhất về phần mã lõi nhưng Microsoft vẫn phát triển và đưa ra 2 dòng Windows khác nhau dành cho người dùng cuối và doanh nghiệp. Tháng 4/2003, Windows Server 2003 được đưa ra, đây là bản nâng cấp đáng kể so với Windows Server 2000 với nhiều tính năng bảo mật mới, trình Mananger You Server mới giúp dễ dàng cấu hình các vai trò máy chủ, hiệu suất và tính ổn định cải thiện đáng kể.
Windows Vista
Microsoft Windows Vista
Được đưa ra năm 2007, phiên bản Windows này mở rộng chức năng của XP và tăng tính tin cậy và bảo mật, cải tiến tính năng đa phương tiện số và bổ sung giao diện Aero 3D hào nhoáng.
Chúng ta hãy bắt đầu với giao diện, nó yêu cầu khả năng xử lý đồ họa cao, mạnh, vì vậy hạn chế khả năng nâng cấp lên Vista của nhiều máy tính cũ. Giao diện Aero hiển thị các thành phần 3D thật sự với hiệu ứng nhìn xuyên suốt như kính. Và mọi thứ khác trong Vista cũng trông hơi khác.
Các biểu tượng thư mục (folder) và tập tin (file) giờ hiển thị hình thu nhỏ nội dung bên trong. Khi bạn chuyển qua lại giữa các ứng dụng đang mở, các cửa sổ xoay và chuyển sang hiển thị trong không gian 3 chiều. Các cửa sổ mượt mà và trong mờ, tạo cảm giác chiều sâu khi bạn xem nhiều cửa sổ trên màn hình. Thậm chí còn có thanh Sidebar (cạnh màn hình) đặt các gadget – những ứng dụng nhỏ được thiết kế chuyên cho một công việc cụ thể.
Bên dưới, Vista được thiết kế để chạy ổn định và an toàn hơn so với Windows XP. Một trong những tính năng bảo mật – bị nhiều người dùng phàn nàn là User Account Control, xen ngang thậm chí những hoạt động thông thường nhất để yêu cầu người dùng chấp thuận. Động cơ tốt (để ngăn chặn truy cập hệ thống trái phép), nhưng việc thực hiện quá “cứng nhắc và thô bạo” đối với hầu hết người dùng.
Tệ hơn, nhiều người dùng gặp trục trặc khi nâng cấp máy tính cũ lên Vista. Nhiều thiết bị cũ không có trình điều khiển tương thích Vista (thật ra đây là vấn đề với nhiều phiên bản nâng cấp Windows), và một số chương trình thời XP không làm việc được trên Vista.
Tuy nhiều người dùng không gặp vấn đề gì, nhưng cũng có những người kêu ca gây “tiếng xấu” cho Vista. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm cho Microsoft vội phát triển phiên bản kế tiếp Vista – Windows 7.
Windows Server 2008
Ban đầu được biết đến với tên mã Longhorn, Windows Server 2008 được đưa ra ngày 27/2/2008. (Đến giờ, các phiên bản Windows dòng server vẫn giữ quy ước đặt tên theo năm ra mắt). Windows Server 2008 được xây dựng trên những tiến bộ công nghệ và bảo mật được giới thiệu lần đầu với Windows Vista, và có tính mô-đun cao hơn phiên bản trước - Windows Server 2003.
Tại Professional Developers Conference 2008, Microsoft đã giới thiệu Windows Server R2 (chỉ có bản 64-bit) như là biến thể dòng server của Windows 7.
Windows 7
Microsoft Windows 7
Phiên bản mới nhất của Windows được định lịch ra mắt ngày 22/10 tới. Phiên bản này được phát triển trên cùng mã lõi với Windows Vista và Windows Server 2008.
Chỉ 2 năm ngắn ngủi sau khi đưa ra Windows Vista, đây không phải là bản nâng cấp lớn (đơn giản vì không có đủ thời gian phát triển). Windows 7 trong mối quan hệ với Windows Vista, tương tự Windows 98 nâng cấp Windows 95.
Những thay đổi trong Windows 7? Trước hết, nó chỉnh sửa nhiều thứ của Vista mà người dùng không thích. Tương thích tốt hơn hơn với phần cứng và phần mềm cũ, và thậm chí có cả Windows XP Mode (thực ra là máy tính ảo chạy HĐH Windows XP) cho phép bạn chạy các ứng dụng thời XP. Và User Account Control bớt "thô bạo" hơn.
Ngoài ra, Windows 7 có một vài thay đổi giao diện nhỏ nhưng hay. Sidebar được loại bỏ, giờ bạn có thể đặt các gadget ngay trên desktop. Có một chế độ Aero Peek mới cho phép bạn nhìn “phía sau” tất cả cửa sổ đang mở, cũng như các tác vụ Aero Snap mới cho phép bạn dễ dàng di chuyển và phóng to tối đa các cửa sổ.
Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất là ở thanh tác vụ, một vùng trên màn hình được giới thiệu đầu tiên trong Windows 95. Thanh tác vụ mới trong Windows 7 cho phép bạn đặt cả các cửa sổ đang mở cùng với ứng dụng và tài liệu ưa thích. Thanh tác vụ mới cao hơn một chút và hiển thị các nút nhỏ hơn chỉ có biểu tượng. Nhấn phải một nút trên thanh tác vụ và giờ bạn thấy danh sách các tài liệu mở gần đây cùng các tác vụ hữu ích; rê chuột trên nút đại diện ứng dụng đang mở và bạn nhìn thấy hình thu nhỏ tất cả tài liệu đang mở. Nó thay đổi cách thức bạn làm việc, theo cách tốt hơn.
Và Windows kế tiếp?
Các chuyên gia tại Microsoft liên tục làm việc trên các phiên bản mới của hệ điều hành của họ. Windows không hề chịu đứng yên.
Theo một số thông tin trên mạng, hiện Windows 8 (tên mã “Midori”), phiên bản kế tiếp Windows 7, đang được phát triển và dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2012. Một trong những tính năng hấp dẫn mà Microsoft đang phát triển là Distributed File System Replication (DFSR) - dịch vụ cho phép đồng bộ file và folder trên nhiều server có khả năng xuất hiện trong Windows 8 và Windows 8 Server (hoặc Windows Server 2011, theo quy ước đặt tên dòng server trước giờ).
Theo “truyền thống”, sau phiên bản nâng cấp nhỏ (Windows 7), Windows 8 sẽ là phiên bản nâng cấp lớn?
Windows CE và Mobile
Ngoài 2 dòng Windows dành cho máy tính và server, Microsoft còn phát triển các dòng Windows CE (Compact Edition) dành cho thiết bị có cấu hình phần cứng hạn chế và hệ thống nhúng, Pocket PC và Windows Mobile (phát triển từ Windows CE) dành cho thiết bị di động.
P. Uyên
Tham khảo: Internet.com, Wikipedia, Microsoft.com